Chương trình OCOP là gì?
Khái quát chương trình:
OCOP (tiếng anh One commune, one product) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình này là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi địa phương; giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Vai trò của các đơn vị nhà nước và thành viên tham gia chương trình.
Nhà nước sẽ ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm… Còn người dân, họ sẽ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm mà người dân đăng ký tham gia sẽ quyết định sự thành công của chương trình.
Mục tiêu của chương trình:
Chương trình OCOP được tổ chức triển khai thực hiện nhằm mục đích:
– Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
– Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới.
– Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP
Việc phát triển Đề án OCOP có một ý nghĩa và lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với người sản xuất
Khi chương trình triển khai thành công:
– Tạo công ăn việc làm cho người dân; từ đó nâng cao thu nhập của người nông dân; Giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho người dân ở các khu vực nông thôn.
– Dần thay đổi tập quán canh tác truyền thống lạc hậu của bà con; định hướng cho họ theo kinh tế thị trường.
Đối với phát triển kinh tế – xã hội:
– Tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các mặt hàng truyền thống; tạo điều kiện có các sản phẩm truyền thống tiếp cận được với các thị trường lớn hơn; đặc biệt là thị trường nước ngoài khó tính. Từ đó góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
– Tạo công ăn việc làm cho người dân sẽ giúp làm giảm số lượng người dân di dân từ nông thôn ra thành phố.
– Góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đây chính là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững.
Chứng nhận ATTP cho sản phẩm OCOP
Mặc dù đã có những thắng lợi không nhỏ sau khi tham gia chương trình OCOP như: tạo dựng được thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống; được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng… nhưng việc tiêu thụ của các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp phải những khó khăn khi đưa vào các siêu thị lớn; hay xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vấn đề khó khăn lớn nhất đó là thủ tục hồ sơ giấy tờ khi xin cấp giấy chứng nhận ATTP. Sản phẩm OCOP thì có rất nhiều nhưng số lượng sản phẩm được cấp giấy chứng nhận ATTP thì lại rất ít. Mà đây được coi là “giấy thông hành” đưa các sản phẩm tiếp cận tới các thị trường lớn.
Chứng nhận ATTP có thể là:
Chứng nhận Vietgap trồng trọt
Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam. Đầu ra là các sản phẩm an toàn. Tiêu chuẩn này đưa ra những nguyên tắc; hướng dẫn thực hành trong quá trình sản xuất; đảm bảo thời gian cách ly và để cho ra được những sản phẩm an toàn. Chứng nhận này áp dụng cho quá trình sản xuất và sơ chế sản phẩm. Phù hợp với các hợp tác xã hoặc các nông trường trồng trọt Một số sản phẩm thường làm chứng nhận Vietgap như chè; Lúa; Rau, của, quả tươi;…
Chứng nhận ISO 22000:2018/ HACCP CODE 2003
ISO 22000:2018 là Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và HACCP CODE 2003 là Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn. Hai hệ thống này thường áp dụng cho quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; Phù hợp với các đơn vị sản xuất chế biến như: Sản xuất rau của quả sấy (đóng hộp); Sản xuất chè khô; thủy hải sản; mật ong; đồ uống…
Chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ ASEAN
Chứng nhận này cũng áp dụng cho quá trình sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm. Đầu ra sẽ đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn; đồng thời giúp cải thiện môi trường hệ sinh thái. Tiêu chuẩn này quy định rất nghiêm ngặt về việc sử dụng đầu vào và quá trình sản xuất. Dễ tiếp cận thị trường quốc tế hơn.