Giấy chứng nhận FSC, các loại nhãn dán và lợi ích
Vấn đề khai thác và bảo vệ rừng ngày càng được quan tâm bởi xã hội, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Vì vậy có rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận đứng ra kêu gọi bảo vệ và quản lý rừng, trong đó có tổ chức FSC. Giấy chứng nhận FSC được rất nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và cố gắng để có được. Vậy chứng nhận FSC là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua loạt bài viết về chứng nhận FSC của ODI MORGAN bạn nhé!
FSC (Forest Stewardship Council) là viết tắt của Hội đồng quản lý rừng thế giới. Đây là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993. Tổ chức này đặt ra mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững. FSC có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 850 thành viên. Bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp… Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu.
Giấy chứng nhận FSC được phân ra thành 3 loại:
- FSC-FM (Forest Management certification): Chứng nhận về quản lý rừng. Chứng chỉ FSC-FM dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng. Chứng nhận khu rừng/ đơn vị quản lý rừng xác định đã tuân thủ theo 10 nguyên tắc FSC phù hợp các nguyên tắc về môi trường, kinh tế, xã hội.
- FSC- CoC (Chain of Custody certification): Chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm. Chứng chỉ FSC – CoC dành cho các đơn vị chế biến các sản phẩm từ rừng. Chứng nhận hệ thống quản lý cho các đơn vị sản xuất, chế biến và thương mại những sản phẩm từ rừng được chứng nhận FSC. Xác nhận nguyên liệu hay sản phẩm FSC được tách biệt với các sản phẩm, nguyên liệu khác trong quá trình quản lý và gắn nhãn.
- FSC-CW (Controlled Wood): Chứng nhận gỗ có kiểm soát FSC,chứng nhận hệ thống quản lý cho các đơn vị quản lý rừng hay sản xuất, chế biến và thương mại những nguồn gỗ theo tiêu chuẩn kiểm soát FSC. Gỗ có kiểm soát FSC là nguồn gỗ được FSC chấp nhận là có kiểm soát để loại trừ với 5 nguồn gỗ không được chấp nhận.
Những ngành được liệt kê bên dưới đây nên có giấy chứng nhận FSC vì yêu cầu của khách hàng, quy định của các quốc gia nhập khẩu và cũng tăng độ uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp trang trại lâm nghiệp: Trang trại rừng thuộc sở hữu nhà nước, trang trại rừng doanh nghiệp, trang trại rừng cộng đồng, trang trại rừng tư nhân và tất cả các trang trại lâm nghiệp khác.
- Doanh nghiệp kinh doanh lâm sản:Doanh nghiệp thương mại quốc tế và doanh nghiệp bán hàng liên quan đến lâm sản.
- Các doanh nghiệp chế biến lâm sản trực tiếp hoặc gián tiếp: Như nhà máy gỗ tròn, nhà máy ván, nhà máy sản xuất đồ gỗ, nhà máy sàn, nhà máy cửa và cửa sổ, nhà máy bột giấy, nhà máy giấy, nhà máy đóng gói, nhà máy in,…
- Liên quan đến các ngành liên quan đến sản phẩm gỗ, như:công nghiệp sàn, công nghiệp đồ gỗ, công nghiệp trang trí nội thất, công nghiệp nhạc cụ, văn phòng phẩm, công nghiệp đồ chơi, quà tặng, ngành bao bì, ngành in ấn …
Khi doanh nghiệp có được giấy chứng nhận FSC thì trên các sản phẩm dùng các nguyên liệu từ rừng FSC sẽ phải dán nhãn FSC. Hiện nay FSC chia ra làm ba loại nhãn dán khác nhau. Mỗi nhãn cung cấp thông tin về nguồn gốc của các vật liệu được sử dụng để làm thành phẩm.
- FSC 100%:Tất cả nguyên liệu thô của sản phẩm đến từ các khu rừng đã được kiểm toán bởi một bên thứ ba độc lập để xác nhận rằng chúng được quản lý theo các tiêu chuẩn môi trường và xã hội khắt khe của FSC.
- FSC MIX:Các sản phẩm được sản xuất bằng hỗn hợp nguyên liệu từ các khu rừng được chứng nhận FSC, nguyên liệu tái chế và gỗ được kiểm soát bởi FSC. Trong khi gỗ được kiểm soát không phải từ các khu rừng được chứng nhận FSC, nó giảm thiểu rủi ro của nguyên liệu từ các nguồn không được chấp nhận.
- FSC RECYCLED:Gỗ hoặc giấy trong sản phẩm đến từ vật liệu tái chế. Việc sử dụng các sản phẩm tái chế của FSC có thể giúp giảm bớt áp lực nhu cầu đối với các nguồn nguyên liệu thô, từ đó giúp bảo vệ các khu rừng trên thế giới.